I. Vị trí địa lý và dân cư

1. Vị trí địa lý:

 

Hữu Lũng là huyện nằm ở phía Tây - Nam của tỉnh Lạng Sơn,có tọa độ địa lý từ 210 23’ đến 210 45’ vĩ độ Bắc, từ 106010’ đến 106032’ kinh độ Đông

  •  Phía Bắc giáp huyện Văn Quan và huyện Bắc Sơn
  •  Phía Tây giáp tỉnh Thái Nguyên
  •  Phía Tây Nam và Nam giáp tỉnh Bắc Giang
  •  Phía Đông giáp huyện Chi Lăng và huyện Lục Ngạn, huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 80.763,12 ha chiếm 9,7% diện tích toàn tỉnh. Trong đó: Đất nông nhiệp là 24.244,9 ha, chiếm 30,02%. Đất  lâm nghiệp có rừng là 33.385 ha, chiếm 41,34% Huyện Hữu Lũng có 24 đơn vị hành chính gồm:

              Thị trấn Hữu Lũng được phân chia thành 8 khu phố và 23 xã được phân chia thành 195 thôn bản: (Đồng Tân, Cai Kinh, Hòa Lạc, Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn, Hữu Liên, Sơn Hà, HồSơn, Tân Thành, Hòa Sơn, Minh Hòa, Hòa Thắng, Minh Sơn, Nhật Tiến, Minh Tiến, Đô Lương, Vân Nham, Thanh Sơn, Đồng Tiến, Tân Lập, Thiện Kỵ, Yên Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng). Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Hữu Lũng, cách thành phố Lạng Sơn 70 km về phía nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 Km về phía Đông bắc.

 

2. Dân số, Dân tộc

Dân số: Hữu Lũng là huyện có số dân đông nhất tỉnh Lạng Sơn, Dân số trung bình năm 2021 là 123.758 người; mật độ dân cư sinh sống cũng khá tập trung 153 người/ Km2, tốc độ tăng dân số tự nhiên khá ổn định, khoảng 0,9%/ năm.

Dân Tộc: Trên địa bàn huyện có trên 10 dân tộc cùng chung sống xen kẽ với nhau, các dân tộc có truyền thống đoàn kết, hòa thuận. Trong đó: dân tộc Nùng chiếm 54,2%, dân tộc Kinh 35,57%; dân tộc Tày 7,62%, ...

 

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- 1. Địa hình: Huyện Hữu Lũng thuộc vùng núi thấp của tỉnh Lạng Sơn, địa

hình được phân chia rõ giữa vùng núi đá vôi ở phía Tây Bắc và vùng núi đất ở phía Đông Nam. Phần lớn diện tích ở vùng núi đá có độ cao từ 450 - 500m, vùng núi đất có độ cao trên dưới 100 m so với mặt nước biển. Nhìn chung, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi đá và các dãy núi đất. Nằm xen kẽ giữa các dãy núi là những thung lũng nhỏ, hẹp. Địa hình tương đối bằng phẳng và là vùng đất canh tác, sản xuất nông nghiệp của cư dân trên địa bàn.

2.  Khí hậu, thủy văn : Huyện Hữu Lũng chịu sự ảnh hưởng của khí hậu vùng núi phía Bắc, khô lạnh và ít mưa về mùa Đông, nóng ẩm, mưa nhiều về mùa hè. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 22,70C. Tháng 7 có nhiệt độ không khí trung bình cao nhất là 28,50C. Tháng 01 có nhiệt độ không khí trung bình thấp nhất là 2,50 C.Lượng mưa trung bình năm là 1.488,2mm với 135 ngày mưa trong năm và phân bố từ 13 - 17 ngày/tháng, tăng dần từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 và chiếm trên 90% lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và chiếm trên 9% lượng mưa cả năm.

Hệ thống mặt nước sông, suối, kênh, mương, ao, hồ của huyện Hữu Lũng có khoảng 1.776 ha gồm có 2 con sông lớn chảy qua là Sông Thương và Sông Trung.Sông Thương dài 157 km bắt nguồn từ dãy núi Nà Pá Phước, cao 600m gần ga Bản Thí của huyện Chi Lăng chảy qua huyện theo hướng Đông Bắc-Tây Nam xuôi về tỉnh Bắc Giang. Sông Thương gặp sông Trung chảy từ Thái Nguyên về ở Thôn Na Hoa xã Hồ Sơn. Trong địa bàn của huyện, thung lũng Sông Thương được mở rộng trên 30 km. Sông Thương có độ rộng bình quân chỉ 6 m, độ cao trung bình 176 m, độ dốc lưu vực 12,5%, lưu vực dòng chảy trung bình năm là 6,46 m3/s, lưu lượng vào mùa lũ chiếm khoảng 67,6 - 74,9%, còn mùa cạn là 25,1 - 32,4%. Sông Thương là nguồn nước chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các dân tộc trong huyện. Sông Trung bắt nguồn từ vùng núi Thái Nguyên chảy qua huyện theo hướng Tây Bắc-Đông Nam đổ vào Sông Thương ở phía bờ phải tại Thôn Nhị Hà, xã Sơn Hà. Sông Trung chảy trong vùng đá vôi, thung lũng hẹp, độ dốc trung bình lưu vực sông là 12,8%.Hệ thống sông, suối, kênh mương cùng các ao hồ của huyện cơ bản đáp ứng nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn. Hệ thống sông, suối với địa hình dốc có thể phát triển thuỷ điện nhỏ.

3. Khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của Hữu Lũng chủ yếu có: Đá vôi với hàm lượng cao khoảng 55% là nguyên liệu để sản xuất xi măng, vật liệu xây

dựng... tập trung ở các xã: Đồng Tân, Cai Kinh; Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn, Minh Tiến, Đồng Tiến với diện tích khai thác khoảng 544,05 ha; Ngoài ra, Hữu Lũng còn có một số khoáng sản khác như mỏ sắt ở Đồng Tiến, diêm tiêu ở Tân Lập, Thiện Kỵ, mỏ bạc xã Nhật Tiến và các loại cát, sỏi cung cấp cho nhu cầu xây dựng của huyện và tỉnh.

Đất đai gồm 9 loại đất, trong đó tập trung chủ yếu vào 4 loại đất chính đó là: Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs) có khoảng 18.691 ha; đất vàng nhạt trên đá cát (Fq) có khoảng 9.021 ha; đất vàng đỏ trên đá mácma axít (Fa) có khoảng 7.080 ha và đất đỏ nâu trên đá vôi (Fv) có khoảng 4.350 ha.

Diện tích đất bằng chưa sử dụng còn 86,84 ha, chiếm 0,11% tổng diện tích tự nhiên; đất đồi núi chưa sử dụng còn 219,75 ha chiếm 0.27% và được phân bố ở các xã vùng đồi đất.

4. Tài nguyên rừng: Năm 2021, tổng diện tích đất Lâm nghiệp có rừng của huyện là 33.385 ha, chiếm 41,34%. Trong đó rừng sản xuất có 21.535,24 ha, chiếm 26,66%; rừng phòng hộ có 4.894,84 ha, chiếm 6,06%; rừng đặc dụng có 6.954,91ha, chiếm 8,61%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,34%.

5. Tài nguyên văn hóa - du lịch: Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao, Sán Chỉ với bản sắc văn hoá riêng, có các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Lượn cổ Tày, Nùng; múa Chầu,... và kiến trúc xây dựng nhà sàn mang đậm sắc thái của vùng Xứ Lạng.

- Hữu Lũng có nhiều di tích đình, đền, chùa như Đền Bắc lệ (xã Tân Thành); Đền Quan Giám Sát, Đến Chầu Lục (xã Hòa Lạc); Chùa Cã (xã Minh Sơn); Đền Suối Ngang (xã Hòa Thắng); Đền Phố Vị (xã Hồ Sơn); Đền Chúa Cà Phê, Đền Voi Xô (xã Hòa Thắng); Đền Ba Nàng (xã Cai Kinh); lễ hội Trò Ngô (xã Yên Thịnh) ...là những điểm thu hút khách du lịch tâm linh. Ngoài ra các xã, thôn làng đều có những lễ hội riêng với nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền độc đáo.

Hữu Lũng có phong cảnh đẹp của vùng trung du miền núi phía Bắc, có nhiều địa danh, thắng cảnh trên địa bàn như Mỏ Heo xã Đồng Tân (có suối với phong cảnh đẹp); các xã Yên Thịnh, xã Hữu Liên môi trường và phong cảnh đẹp, có nhà sàn, suối nước, rừng cây. Đặc biệt xã Hữu Liên được UBND tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Các xã Tân Lập có hang Dơi, hang Thờ, hang Đèo Thạp; ... đều là những điểm có thể phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch leo núi, du lịch nghỉ ngơi an dưỡng, mua sắm kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo.... Khi được đầu tư xây dựng và tuyên truyền quảng bá tốt, huyện Hữu Lũng sẽ thu hút được nhiều du khách, phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ và du lịch.

III. Truyền thống Lịch Sử 

Ngay buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, dưới ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước, nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng đã dũng cảm vùng lên, phá tan xiềng xích nô lệ của ách áp bức thực dân. Tiêu biểu cho ý chí đó là phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược năm 1884 do Hoàng Đình Kinh đứng đầu, làm chủ cả một vùng rộng lớn, từ Nam Chi Lăng đến Lạng Giang gây cho địch hao binh tổn tướng, điêu đứng, mất ăn mất ngủ, thiệt hại nặng nề. Hoàng Đình Kinh đã trở thành người con tiêu biểu của núi rừng Yên Thế - Hữu Lũng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hữu Lũng là căn cứ địa, hậu phương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cũng là nơi chôn vùi nhiều cuộc hành quân càn quét của bọn xâm lược mà sử sách đã từng ghi nhận, khiến cho chúng khiếp đảm khi bước vào cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lạng Sơn. Quân dân các dân tộc Hữu Lũng tự hào ghi tiếp những chiến công vẻ vang vào trang sử mới của dân tộc với những Đồn Vang, Đá Bia, Rừng Cấm, Đèo Cà lịch sử.

Nối tiếp truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc Hữu Lũng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện đã kề vai sát cánh cùng nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kịp thời chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt; cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến bước trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến đã qua, cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc tháng 2 năm 1979 đã có biết bao con người ưu tú của quê hương Hữu Lũng ngã xuống cho độc lập -  tự do của dân tộc; nhiều anh hùng và liệt sĩ được Đảng và Nhà nước tuyên dương công trạng, như anh hùng quân đội Nguyễn Bá Tòng, anh hùng liệt sĩ Nông Văn Giáp… cùng nhiều gia đình và cá nhân khác được Đảng, Nhà nước tặng bằng có công với nước.

Có được cuộc sống thanh bình, tự do, độc lập, người dân Hữu Lũng vẫn không quên những năm tháng bị đày đọa dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân các dân tộc Hữu Lũng với ý thức trách nhiệm lớn lao của người công dân đang tiếp tục phát huy truyền thống yên nước, đấu tranh cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.