Hữu Lũng – Thành tựu và tiềm năng
Là huyện cửa ngõ phía Nam tỉnh Lạng Sơn, Hữu Lũng có 23 xã, 1 thị trấn, với diện tích tự nhiên là 804,76km²; dân số 122.880 người. Với lợi thế có tuyến đường quốc lộ 1A, đường cao tốc, đường sắt Hà Nội–Lạng Sơn đi qua nên Hữu Lũng có nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng đã đoàn kết đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển quê hương. Nhất là trong những năm gần đây huyện đã có sự đổi mới mạnh mẽ và phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội với nhiều thành tựu quan trọng.
Nằm trên dải đất nối liền vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ của nước ta, huyện Hữu Lũng có vị trí địa lý khá thuận lợi, phía Đông giáp 2 huyện Chi Lăng và Bắc Sơn, phía Tây giáp huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên, phía Tây - Nam và Đông Nam giáp huyện Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Thế của tỉnh Bắc Giang. Đây là điều kiện rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hoá, phát triển thương mại, dịch vụ, giao lưu văn hóa với các huyện trong và ngoài tỉnh, diện tích đất nông nghiệp lớn chiếm trên 30% tổng diện tích tự nhiên cùng với địa hình núi đá, núi đất và vùng thung lũng ruộng đồng, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 22oc, lượng mưa từ 1500 đến 2000mm, độ ẩm cao cùng hệ thống thủy văn lý tưởng đã hợp thành các yếu tố quan trọng để Hữu Lũng phát triển nền nông nghiệp đa dạng và mang tính bền vững, thuận lợi cho việc phát triển vùng cây ăn quả tập trung. Cùng với đó, huyện Hữu Lũng còn có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, dân số trong nhóm tuổi lao động chiếm trên 62% dân số; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm trên 55%.
Một góc tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nhìn từ trên cao
Nhờ phát huy tốt những thế mạnh sẵn có, hiện nay toàn huyện có trên 16 nghìn ha đất nông nghiệp trong đó có khoảng 5.000ha trồng cây ăn quả, với trên 30 loại khác nhau, như: Dứa, Mít, Na, bưởi, thanh long…Bên cạnh đó, huyện Hữu Lũng còn có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm trên 50% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện nên từ lâu sản xuất lâm nghiệp đã trở thành nghề có thu nhập cao cho nhân dân trên địa bàn, hiện toàn huyện có khoảng 38 nghìn ha rừng, trong đó rừng trồng có trên 23 nghìn ha, các ngành nghề liên quan đến rừng phát triển mạnh, như: toàn huyện có trên 700 vườn ươm giống cây lâm nghiệp; 21 doanh nghiệp sản xuất gỗ bóc, sản lượng 40.000m³/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.400 lao động. Ngoài ra, với hệ thống núi đá chiếm 25% diện tích tự nhiên, hàm lượng đá vôi cao, là nguyên liệu để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, do đó nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào đầu tư khai thác sản xuất kinh doanh, hàng năm đóng góp 20% trong tổng thu ngân sách của huyện. Đặc biệt, với lợi thế là huyện chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, thuộc vùng núi thấp, xen kẽ là những thung lũng có địa hình bằng phẳng, phù hợp cho việc đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp với quy mô lớn. Một số dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế, như: Dự án Khu công nghiệp Hữu Lũng với quy mô diện tích 579,76 ha; Dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng với diện tích là 52,3 ha; Dự án Khu dân cư trung tâm thị trấn Hữu Lũng với diện tích hơn 04 ha...đang được triển khai. Không chỉ có vậy, những năm gần đây huyện Hữu Lũng còn từng bước khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch để phát triển kinh tế, trên địa bàn huyện có Đền Công đồng Bắc Lệ, Đền Quan Giám sát, Đền Chầu Lục, Đền Suối Ngang..là các điểm du lịch tâm linh có sức hút lớn đối với khách thập phương. Đặc biệt, được sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với việc phát huy bản sắc của nhân dân các dân tộc, huyện đã hình thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch thể thao leo núi mạo hiểm tại các xã Hữu Liên, Yên Thịnh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân trên địa bàn cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ của các huyện bạn, tỉnh bạn nhờ vậy những năm qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, kinh tế huyện Hữu Lũng có bước phát triển khá; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực và vững chắc hơn. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, toàn huyện có trên 5.000 ha cây ăn quả các loại chủ yếu là Na, Bưởi, nhãn, mít, thanh long… trong đó có gần 400ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 35ha Na đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; Các Dự án, mô hình được triển khai có hiệu quả, như: mô hình sản xuất lúa Nhật chất lượng cao J02, Mô hình Thanh Long Vietgap, mô hình na an toàn....Các chính sách hỗ trợ, đầu tư để phát triển nông nghiệp được thực hiện kịp thời, đặc biệt là việc triển khai thực hiện NQ 08, NQ 15 của HĐND tỉnh Lạng Sơn về Chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025 được huyện tích cực triển khai thực hiện do đó đã mang lại hiệu quả nhất định, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển; Đến nay, huyện đã có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCop của tỉnh đồng thời tăng cường công tác quảng bá sản phẩm nông sản và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp bằng nhiều hình thức, một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường. Cùng với đó, Hữu Lũng cũng đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy phát triển nghề rừng, gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng mới bình quân hàng năm đạt 1.660 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 57%. Đặc biệt, những năm gần đây, sản xuất nông lâm nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế năng suất cao được ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn, không những thế người dân cũng đã dần thay đổi tư duy, cách làm tích cực tìm hiểu áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử giúp tiêu thụ được một lượng lớn nông sản, giảm bớt khó khăn vất vả cho nông dân từ đó đời sống của những người làm nông nghiệp từng bước được nâng lên.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm mô hình trồng cam của gia đình anh Hồ Văn Sỹ xã Tân Thành
Song hành với phát triển nông nghiệp, huyện Hữu Lũng luôn xác định sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là khâu đột phá để phát triển kinh tế, nên đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đặc biệt là các ngành, nghề thế mạnh của huyện, như: khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ.... giá trị sản phẩm hàng năm đều tăng tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Cùng với đó công tác thu hút đầu tư được cấp ủy, chính quyền huyện Hữu Lũng đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ như: tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030; đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh do vậy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) của huyện Hữu Lũng 3 năm gần đây luôn nằm trong top 3 khối địa phương; trong đó, năm 2021, huyện xếp hạng đầu trong các huyện, thành phố. Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư được huyện quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn có hơn 180 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên hơn 260 doanh nghiệp, huyện cũng đã thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp; tổ chức kết nối cung – cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hằng năm, tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn và chủ động tiếp cận, thường xuyên động viên, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương do tỉnh tổ chức…Được biết, theo danh mục các công trình, dự án trên địa bàn huyện Hữu Lũng, từ năm 2021 đến năm 2030, trên địa bàn huyện Hữu Lũng dự kiến triển khai hơn 1.200 công trình, dự án, là một trong những huyện có nhiều công trình, dự án nhất của tỉnh. Trong đó, có một số dự án trọng điểm có ý nghĩa với sự phát triển của huyện và của tỉnh đã, đang triển khai thực hiện, như: dự án khu đô thị mới Hữu Lũng; dự án nút giao đường cao tốc vào khu công nghiệp Hữu Lũng; dự án khu tái định cư, dân cư xã Hồ Sơn và Hòa Thắng; dự án khu công nghiệp Hữu Lũng…Nhờ các hoạt động thu hút đầu tư được triển khai đồng bộ, các doanh nghiệp đã, đang ngày càng tin tưởng khi triển khai các dự án trên địa bàn. Với những định hướng rõ ràng, quyết tâm và hành động của cấp uỷ, chính quyền, từ năm 2016 đến hết năm 2021, trên địa bàn huyện đã có 24 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 700 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2021 đến tháng 4/2022, có 2 dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh đang triển khai là dự án khu đô thị mới Hữu Lũng với quy mô 52,3 ha và dự án khu công nghiệp Hữu Lũng với quy mô 599,76 ha… Huyện Hữu Lũng đã và đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Động thổ xây dựng nút giao thông đường cao tốc vào khu công nghiệp Hữu Lũng
Là huyện có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cùng với bản sắc văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, Hữu Lũng là 01 trong 05 huyện nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lạng Sơn mà Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định phê duyệt. Đây là những lợi thế to lớn của huyện trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt với những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh, có thương hiệu, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện Hữu Lũng đã tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp về phát triển du lịch, trong đó đã xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành du lịch được quan tâm, hệ thống giao thông kết nối giữa cụm di tích các đền Công Đồng Bắc Lệ, Suối Ngang, Chầu Lục, Quan Giám Sát được đầu tư mở rộng, khôi phục lễ hội Chúa Sơn Lâm tại đền Bắc Lệ. Xây dựng làng du lịch cộng đồng tại các xã Hữu Liên, Yên thịnh kết hợp với du lịch leo núi, trải nghiệm thiên nhiên khu danh thắng Đồng Lâm xã Hữu Liên. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch đã từng bước tổ chức khai thác tài nguyên du lịch, phát huy các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện để xây dựng các sản phẩm du lịch. Nhờ đó, dần hình thành nên một số các sản phẩm du lịch như: du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham quan, vãn cảnh...Cùng với đó, hệ thống cơ sở lưu trú từng bước được cải thiện, nâng cấp, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách; Hệ thống giao thông đã từng bước được xây dựng, nâng cấp đáp ứng những yêu cầu cơ bản cho du khách về tham quan, du lịch. Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch đã có những kết quả nhất định, hình ảnh du lịch Hữu Lũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các kênh thông tin, truyền thông khác nhau. Nhờ vậy, du lịch của huyện đã có những bước phát triển mạnh, khách du lịch tăng qua các năm tạo ra nhiều việc làm mới, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của huyện.
Một góc khu du lịch Đồng Lâm xã Hữu Liên huyện Hữu Lũng
Về Chương trình MTQG XDNTM được huyện Hữu Lũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với sự hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân; huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chia sẻ, ủng hộ tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. kết quả từ năm 2011 đến nay, toàn huyện huy động được trên 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng vốn huy động từ cộng đồng dân cư gần 200 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức khác trên 50 tỷ đồng, nhân dân hiến được gần 73.000m2 đất để xây dựng các công trình nông thôn mới góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 08/23 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 34,8% trong đó có 1 xã NTM nâng cao. Bình quân đạt 14,17 tiêu chí/xã. Phấn đấu đến hết năm 2022, huyện Hữu Lũng có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã NTM nâng cao, đến năm 2025 toàn huyện có 15 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên và không còn xã dưới 10 tiêu chí, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Các đơn vị doanh nghiệp tích cực ủng hộ xây dựng chương trình xây dựng NTM của địa phương
Công tác đầu tư phát triển tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, được cả hệ thống chính trị, xã hội quan tâm; các chính sách huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực xã hội hóa được đẩy mạnh nhằm tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, tình trạng đầu tư dàn trải được hạn chế; Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” được thực hiện hiệu quả. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, các công trình điện, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, nhà văn hóa xã, thôn bản... được đầu tư cơ bản đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu, sinh hoạt của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện.
Từ những kết quả đã đạt được, huyện Hữu Lũng sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Huyện sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển, vững mạnh hơn nữa trong thời gian tới góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển.
Hoàng Long
Trung tâm VHTT&TT Hữu Lũng